Trà Việt Nam các thời kỳ

Việt Nam là quê hương của trà và là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hiện và sử dụng trà. Vì vậy, trà là “quốc ẩm của Việt Nam”. Trà không chỉ là một thức uống đơn thuần của Việt Nam mà nó mang cả giá trị tinh thần, lịch sử và sự kết tinh văn hóa hơn 4000 năm của người Việt Nam.

1. Thời đồ đá mới: Khoảng từ 5700-15000 năm trước, tiêu biểu với nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn với nền văn minh lúa nước.

Năm 1960, những quả chè cổ có niên đại 13.200 năm tuổi được các nhà khảo cổ Việt Nam tìm thấy bên đống tro ở hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa và cả ở hàng Xóm Trại đều thuộc nền văn hóa Hòa Bình (VHHB). Phát lộ quan trọng này là một bằng chứng thuyết phục nhất cho sự hiện diện của nước chè và khẳng định trà là cây nguyên sản bản địa nơi đây. Di chỉ này đã được Viện Khảo cổ Việt Nam đưa giám định niên đại và công bố tại Hội thảo quốc tế Pari cùng năm. Kết quả giám định niêm đại C14 cho biết VHHB có niên đại sớm 18.420 ± 150 năm TCN và niên đại muộn 7000 ± 100 năm TCN.

Phụ nữ miền Bắc hái chè ở Phú hộ khoảng những năm 1900
Phụ nữ miền Bắc hái chè ở Phú hộ khoảng những năm 1900

Nghiên cứu về bếp lửa, tại những đơn vị cư dân cư trú trong hang đá, mái đá, người ta xác định có dấu hiệu của gia đình nhỏ và duy trì mối quan hệ Mẫu hệ do chi phối bởi nền kinh tế hái lượm là chính. Hiện hữu của quả chè hiện nhiên khẳng định cho việc dùng chè làm đồ uống cùng những củ quả khác làm thức ăn. Không chỉ có vậy, theo tài liệu khảo cứu của Uỷ ban khoa học xã hội, dấu tích của lá trà và thân cây trà hóa thạch cũng được phát hiện ở Phú Thọ, vùng đất tổ Hùng Vương.

Những cuộc khai quật ở Thanh Hóa đã tìm thấy dấu vết trà qua các ấm trà, bình đựng nước pha trà. Bát men được tìm thấy ở di chỉ Lũng Khê còn xác định được nơi sản xuất tại Đai Lai, Bắc Ninh khoảng thế kỷ V – VI. Điều đáng chú ý là các hiện vật này khá phổ biến ở nhiều vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam và các vùng đất Việt cổ (thuộc phía nam Trung Quốc ngày nay).

Đặc biệt di chỉ khảo cổ Bán pha 2 (niên đại 12-5000 năm TCN) gần Tây An nơi tìm thấy “chiếc bình gốm cổ dính dưới đáy có một chất giống như cặn trà” trên mặt bình có khắc văn bản chữ tượng hình nhân không giống với tự dạng chữ Hán (thời kỳ này chưa có chữ Hán), nó là một tập hợp những kí tự theo quy luật nhất định khiến người ta đọc được và các chuyên gian đã giải mã đó là một câu chuyện về nghi lễ giữa con người và thần linh, đồng thời chỉ cách chữa bệnh bằng nước chè. Có nhiều giả thuyết về những đồ tìm được ở di chỉ này, tuy nhiên lô ghích và biện chứng hơn cả là xu hướng cho rằng đó là sản phẩm của cư dân Bách Việt, chủ nhân của vùng đất này trong suốt một thời gian dài 40.000 năm.

2. Thời đồ đồng-đá:  2737- 2697 Tr. Công Nguyên; khoảng 3500-4000 năm trước, tiêu biểu với nền văn hóa Phùng Nguyên.

Thư tịch xưa nhất có đề cập đến trà xanh là “Thần nông bản thảo kinh (2737 – 2697 TCN)” đã ghi nhận “Người đầu tiên phát hiện ra trà chính là Thần Nông khi đi tuần du phương Nam”. Thần Nông lại chính là Thủy tổ của người Việt, đồng thời là Sư Tổ của hàng loạt thành tựu khoa học cổ đại phương Đông như: Tổ của nền đông y, Tổ của cây lúa nước, Tổ của cái lưỡi cày… Dấu vết khẳng định Thần Nông là tổ tiên của người Việt nằm ngay trong tên gọi Shen Nung (Thần Nông), một cách gọi theo đúng cấu trúc tiếng Việt (bởi theo tiếng Hán phải là Nông Thần – Nung Shen mới chính xác).[9]

Văn hóa Phùng Nguyên cách nay khoảng 5.000 – 3.330 năm (tức 3000 – 1.330 TCN) đã được giới nghiên cứu khảo cổ khẳng định của người Lạc Việt và người ta đã tìm thấy đồ gốm như mâm đồng, cốc cao chân trang trí bằng những đồ áng hoa văn rất đẹp. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu vết thóc gạo của văn minh nông nghiệp lúa nước trong nền văn hóa Phùng Nguyên rộng lớn ở trung du và Bắc Bộ Việt Nam. Đặc biệt một loại hiện vật điển hình là những di vật đất nung có hình dáng kỳ lạ: âu gốm chân kiềng rất phù hợp cho việc nấu trà có mặt ở tất cả các di chỉ Phùng Nguyên. Đó là loại nồi gốm có chân kê để dun (hiện lưu diễn tại bảo tàng lịch sử Việt Nam) có thể đoán định là đồ nấu trà thuở cổ xưa khi trà còn coi là món linh dược trước khi có nghệ thuật chè ngâm. Nhiều nhà khoa học từng cho rằng, văn hóa trà luôn song hành với văn hóa lúa nước và họ đã đưa ra những luận giả hết sức thuyết phục. Mới đây nhất, trong đợt khai quật ở di chỉ Đình Chài, Cổ Loa, Đồng Anh ( tháng 10-2010) thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên đã phát hiện được hiện vật giống như tước gốm để uống trà.

Nhiều ấm đồng có vòi rót, nồi đồng, thạp đồng chứa nước thời văn hóa Đông Sơn (VHDS) được tìm thấy là những dấu vết về trà ngay từ thuở hồng hoang của dân tộc Việt. Những cuộc khai quật ở Thanh Hóa đã tìm thấy các loại trà cụ qua các ấm trà, bình đựng nước pha trà. Loại ấm đồng vòi đầu gà, ba chân có cán cầm để rót tìm được ở trên vùng cương thổ Văn Lang xưa (Thanh Hóa, Quảng Tây, Quảng Đông, Trường Sa, Hồ Nam) có niên đại những năm cuối trước TCN khiến chúng ta liên tưởng đến loại ấm con cò dùng đun nước rất thịnh hành tại Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Chúng có cấu tại, công dụng đến lạ lùng! Có thể nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà nhiều loại trà cụ, chế tác bằng gốm mộc, gốm phủ men, bằng đồng được tìm thấy ở khắp vùng đất Việt cổ. Đó chính là những thông điểm của ông cha, xác thực cho sự tồn tại văn hóa trà thời Hùng Vương từ quá khứ gửi về. Hủ gốm có vòi đựng đồ uống (trà/rượi: nên chú ý rằng thời kỳ này trà bóp vụn thêm gia vị nấu sôi rồi lọc bã bỏ đi thành đồ uống như rượi hoặc thay rượi) tìm thấy ở mô Nam Việt Vương “cháu Triệu Đà” được giới chuyên môn cho là “rất đặc trưng cho loại hình Việt phương Nam” cũng có thể coi là những bằng chứng của trà Việt thời TCN. Điều thú vị là chúng rất giống với loại hũ gốm đất nung cùng nhiều bát uống trà tìm thấy sau khoảng 400-500 năm sau ở di chỉ Lũng Khê, Bắc Ninh (thế kỷ III – V SCN).

Có thể nói các hiện vật tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ chính là dấu vết văn hóa trà Việt từ thời các vua Hùng truyền lại. Chúng là những vật chứng thuyết phục và sống động nhất, minh triết cho cuội nguồn trà Việt bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước.

3. Nhà nước Văn Lang: (Thế kỷ VII–258 TCN hoặc 218 TCN) (ngang đời nhà Chu).

Dấu vết trà Việt ẩn hiện trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương, một mối tình lãng mạn từ thời cổ sử Việt. Diễn ra trong bối cảnh thời đại các vua Hùng (2879-257 TCN)[6] , câu chuyện tình buồn giữa chàng lái đò trẻ có giọng hát quyến rũ và tiếng sáo mê hoặc lòng người đã làm rung động trái tim nàng Mỵ Nương (Mỵ Nương là cách gọi con gái vua Hùng). Tiếc thay diện mạo xấu xí của Trương Chi làm nàng thất vọng khiến mối tình tan vỡ bất thành. Xao xuyến trước sắc đẹp chim sa cá lặn của Mỵ Nương, Trương Chi quá nặng lòng đành ôm mối sầu tương tư mà chết và hóa thân thành khối ngọc. Người thợ tạc đá đem khối ngọc đó tạc thành một chén uống chè mang dân cho vua Hùng. Truyền ngôn kể rằng mỗi khi nâng chén nước chè lung linh, Mỵ Nương lại thấy thấp thoáng bóng dáng con đò bơi qua bơi lại, cùng tiếng sáo Trương Chi du dương trầm bổng ngày nào bỗng lại ngân nga… Xót thương cho mối tình sầu thảm, Mỵ Nương ân hận ứa lệ, nước mắt nàng rỏ xuống hòa trong chén nước chè và chén chè bỗng vỡ tan như thể đã hóa giải được mối sầu tương tư của Trương Chi!

Chúng ta lại có truyền thuyết khác: Chuyện kể rằng vào đời Hùng Duệ Vương, một bà quý phi của vua Hùng đã về làng Văn Luông (nay là Văn Phú), vùng đất tổ Phú Thọ dạy dân trồng chè, trồng bông sinh sống. Để ghi nhớ công nghiệp khai sáng ấy của bà, vùng đất trồng chè, trồng bông năm xưa, dân cư tự về sinh sống và đã tạo dựng nên: xóm Bãi Chè, xóm Bông còn tồn tại mãi tới ngày nay.

Nên văn minh trà của người Việt còn được thể hiện qua các phong tục được ghi chép thành văn tại đền Đồng Xâm, thôn Thượng Gia, Kiến Xương, Thái Bình. Đền thờ Triệu Vũ Đế (239 – 137 TCN) và hoàng hậu Phương Dung – Trình Thị được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1991, còn lưu truyền nghi thức uống chè, dâng chè qua năm bước thời quốc gia Nam Việt: Bước một, chắp chào nhau; Bước hai, đưa tay mời; Bước ba, nâng chén chè lên nhấp môi; Bước bốn, uống cạn chén; Bước năm, đặt chén xuống vái chào nhau. Hiện vẫn còn chứng tích với con sông Trà (Trà giang) chảy ôm sau lưng đền. Việc uống trà thời nhà Nam Việt đã phát triển và được lưu truyền trong đôi câu đối:

Phản biện lại luận điểm một số học giả cho rằng nguồn gốc cây trà và văn hóa trà xuất phát từ Trung Hoa, người Hoa Bắc còn đưa ra huyền thoại “Các vua nhà Chu đã dùng trà tế lễ từ năm 221 trước Công Nguyên”. Huyền thoại này thực sự có cơ sở chăng?! Nếu từ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc người Trung Hoa đã dùng trà trong tế tự, ắt điều này phải có ghi trong các kinh lễ của các bậc thánh nhân như Chu Công và Khổng Tử. Đáng tiếc, Kinh Lễ hay Lễ Ký do Đức Khổng Tử san định cũng không hề thấy nói đến trà; sách Luận Ngữ do học trò ngài ghi lại các lời Ngài dạy hàng ngày cũng chẳng thấy nói đến trà; Kinh Thi cũng do Ngài san định là một tác phẩm ghi chép lại các bài ca dao trong dân gian không hề có một chữ trà hay chữ đồ. Trở ngược dòng lịch sử, sách Chu Lễ ghi rất chi li lễ tiết đời Chu cũng không thấy có chữ trà, Hoặc quay xuống đến đời Hán chúng ta thấy có cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên (khoảng những năm 90 trước Công Nguyên, có một thiên Lễ Thư), hay Hán Thư cũng không dành cho trà một chữ. Qua đó có thể nói ít nhất đến đời Hán trà chưa hề được biết đến ở Trung Hoa.

Trái lại chúng ta dễ dàng thấy chữ “tửu” trong các tác phẩm vừa nói, với câu nói nổi tiếng “Vô tửu bất thành lễ”. Điều này cho thấy việc vua nhà Chu dùng trà tế lễ là sự gán ghép đời sau. Nho gia không phải rồi, vậy trà có phải của Đạo gia chăng?! Chắc chắn là không vì biểu tượng thường đi kèm với các vị tiên gia là phất trần và bình rượu chứ không phải ấm trà, và giới đạo gia có thứ rượu Quỳnh tương trên tiên giới thần diệu như nước cam lồ bên Phật giáo. Chỉ mãi sau đến đời Chu Hy (cuối Nam Tống) mới xuất hiện một bài thơ gắn ông tiên với lò nấu trà (xem chương 4 “Thú chơi trà” quyển này).

4. Giao Chỉ 111 TCN – 40 CN.

Theo sách Nghiêm Bác Tạp Chí trích lời Lý Trọng Tân học sĩ nói: “Trà ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay gắt gọi là trà đắng” (tức là mạt trà). Những núi ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa có trồng thứ trà này. Cây trà mọc liên tiếp che khắp rừng. Người bổn thổ hái lá, giã cho nát, phơi khô trong bóng mát, nấu mà uống, tính nó hơi hàn, có thể làm mát tim phổi và ngủ ngon.

5. Giao Châu 203 – 544.

Trà Kinh chép: “Người phương Nam có cây qua lô giống như lá trà non mà nhụy đắng, giã nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao Châu và Quảng Châu người ta rất quý thứ này, hễ có khách đến nhà thì trước hết bày ra đãi khách”.  Theo lời Ðào Hoàng Cảnh, một ẩn sĩ tài hoa đời Nam Bắc Triều thì bọn xử sĩ trong thiên hạ rất chuộng thứ trà này.

Trong sách Thế Thuyết tân ngữ dưới thời Tấn Khang Đế (322-344) lại là một chứng cớ sinh động cho thấy trà chưa lan tỏa và được chấp nhận rộng rãi ở Trung Hoa trước đời Đường. Chuyện kể rằng:

“… Nhiệm Thiện, danh sĩ phương Nam (vùng đất Bách Việt) vượt sông đến thành Thạch Đầu xướng họa thơ văn, luận đàm đạo lý với các sĩ phu phương Bắc đến khô cả cổ mà chẳng có gì uống. Với thói quen uống trà, ông buột miệng hỏi: chẳng có trà lá gì sao? Nhóm sĩ phu phương Bắc cười ồ chế giễu và cũng từ đó người phương Bắc gọi người phương Nam (gốc Bách Việt) là loại người thô lậu vì cái thói khoái uống trà.”[7]

6. Thời Nam-Bắc triều (420-581).

Sử chép sự kiện khi vua Nam Tề chạy sang nước Ngụy, theo thói quen hàng ngày pha trà uống, lại bị Bành Thành Vương dè bỉu: “Khanh không thích vị bát trân của Vương hầu lại đi thích chén trà xanh.”7. Xuyên suốt các tư liệu xưa cho thấy, ít nhất cho tới giữa thiên niên kỷ thứ I, trà vẫn bị dè bỉu ở Trung Hoa, coi là thứ nước uống thấp kém, quái lạ của người phương Nam. Họ thường xuyên miệt thị thứ nước uống này!

7. Thế kỷ thứ 7.

Văn bản sớm nhất chỉ cho hậu thế biết chè đã được canh tác thuần dưỡng ở Việt Nam tìm thấy trong một bài thơ tặng Thiền sư Nhật Nam (TK 7):

Xếp đá làm giếng mới

Rừng núi tự trồng Chè

Rõ ràng các sư tăng đã không chỉ dựa vào chè rừng hoang dã, họ đã tự trồng và chủ động canh tác cây chè.

8, Giao Châu (Việt Nam) – Thời nhà Đường xâm lược (618 – 907).

Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc từng ghi rằng: “Kế lập được bảy năm, năm Tân-Vị Khai-Bửu thứ 4 (971), Thái-Tổ nhà Tống khiến đại-tướng Phan-Mỹ qua đánh Lĩnh-Nam. Liễn sợ, dâng biểu-văn, khiến sứ vào cống, xin nội-phụ, Thái-Tổ xuống chiếu phong Liễn làm Tiết-Độ-Sứ An-Nam đô-hộ. Tháng 5 năm thứ 8, (975), Liễn tiến cống vàng lụa, sừng tê, ngà voi, trà thơm. Ngày mồng 7 tháng 8, Thái-Tổ xuống sắc-chế, phong cha Liễn là Bộ-Lĩnh làm Giao-Chỉ Quận-Vương; thực ấp 1.000 hộ.” Sử Nhật Bàn và Hàn Quốc cũng có ghi chép những trường hợp được Thiên Triều ban thưởng hay phải cống lễ sản phẩm trà. Thời Đường-Tống ở Trung Quốc, trà là sản phẩm quý tộc thường được dùng ban thưởng cho các công thần, các sứ thần phiên quốc; ngược lại các nước chư hầu trồng được cây trà thì trà là sản phẩm triều cống. Cho đến đời nhà Minh (khoảng từ thế kỷ 15 trở đi) trà mới trở thành sản phẩm thương mại, đặc biệt khi trà được canh tác mở rộng về hướng Đông như Phúc kiến; chứ không thu hái hoang dã nữa.

Thêm một chi tiết là thời kỳ này đánh dấu kinh điển Phật giáo được dịch ra chữ Hán đầu tiên ở Việt Nam, Phật giáo được đưa đến Việt Nam trước khi đi vào lục địa Trung Quốc. Sử Trung Quốc, thơ văn Trung Quốc đã ghi là Triều đình phải cung thỉnh các nhà sư Duy Giám, Phụng Đình… từ Giao Châu vượt vạn dặm để đến tận triều đình giảng kinh…

(Bạn hãy tưởng tượng Vatican phải mời “thiên hạ” đến để giảng giải về giáo lý Thiên Chúa giáo, Tòa Bạch Ốc phải mời “thiên hạ” đến để giảng dạy về điện tử, điện toán…). Nói tóm lại, là ở Giao Châu có nền văn hóa cao như vậy mà ta không còn dấu vết tục uống trà đời Đường, đời Tống ở Việt Nam? Điều này thật dễ hiểu: Bởi vì ta đã biết uống trà trước đó, ta đã dạy người Trung Quốc uống trà. Và lối uống trà của ta hoàn toàn khác họ.

9, Triều Đinh: thế kỷ thứ 10 (968 – 979).

Cây trà là cây bản địa, nhưng có nền văn hóa trà hay không là chuyện khác. Ở đây cần nhấn mạnh Việt Nam đã có tập quán uống trà từ lâu đời và nó chiếm một vai trò nhất định trong đời sống xã hội. Chẳng hạn sử liệu đã nêu ở trên có nói Đinh Liễn cống trà cho nhà Tống. Bước đường từ một thức uống dân giã lấy ở cây bản địa đến sản phẩm triều cống không phải là con đường ngắn vì đồ lễ triều cống phải là thứ quý hiếm. Như vậy chứng tỏ người Việt biết dùng trà có văn hóa ít ra phải trước năm 979. Cũng trong tác phẩm này, Lê Tắc mô tả tục uống trà của người Việt thời đó đã trở thành nghi thức lễ hội: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan-Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động-Nhân, bái yết Tiên-Vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu-Na” (nghĩa là đuổi tà ma quỉ mị). Dân-gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượu cúng tổ.” (Mục Phong tục)

Trà phát triển mạnh mẽ. Nghệ thuật ướp hương các loài hoa vào trà được ghi nhận sớm trong lịch sử Đại Việt ở thời Đinh Triều (968 – 979). Theo ghi chép trong sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc thì bấy giờ, hoàng tử Đinh Liễn, con trai cả của Đinh Tiên Hoàng, được cử đi sứ sang Trung Quốc, đã có cống vật phẩm là trà thơm sang nhà Tống.

10, Nhà(1010 – 1225), Nhà Trần (1225 – 1400).

Trong Cao Tăng truyện thời Lý-Trần còn đi xa hơn, khẳng định chè đã được thương mại hóa và là nguồn thu nhập, sinh kế chính của giới tăng nhân:

…Sơn tăng hoạt kế chè tam mẫu

Ngư phủ sinh nhai trúc nhất cần

Thế đấy! canh tác ba mẫu trà là một cách tự túc, tự cấp cho đời sống chốn cửa thiền. Trong thực tế, chắc chắn việc trao đồi buôn bán chè còn diễn ra sớm hơn nhiều, chí ít cũng từ thời kỳ người Việt xưa tham gia vào con đường Trà mã cổ đạo huyền thoại.

Trà đã trở thành một thứ giải khát tao nhã của giới tăng lữ, sĩ-phu và quí tộc. Đời Lý Nhân Tông (1072 – 1127) ngài Viên Chiếu Thiền Sư, là con của anh bà Linh Cảm Thái Hậu (vợ vua Lý Thái Tông) có hai câu thơi.

Tặng quân thiên lý viễn

Tiếu bả nhất bình trà

Dịch

Tiễn chân ai bước đường xa

Miệng mười dâng một bình trà tặng nhau

Qua đời Lý-Trần thì văn hóa trà của Việt Nam tiến một bước dài qua lĩnh vực triết lý và tâm linh.trà ở Việt Nam đã phát tiển dòng trà Thiền thời Lý với họa tiết sen phổ biến trên các trà cụ (nhưng chưa có trà sen), rồi trà ướp hoa lan vào thế kỷ 14 trong thơ ca của Trần Nguyên Đán.

Như vậy, ta có dẫn chứng xác thực bằng văn bản về quán trà đã có từ thời đầu nhà Trần – đó là những trà đình! Tất nhiên trong thực tế, quán trà còn sớm hơn nhiều chí ít cũng từ thời Thần trà Dương thiên Tích đời Lý Huệ Tông…Lại cũng trong Thiền Uyển Tập Anh, mục Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) thuật chuyện một tăng sĩ đến vấn đạo Viên Chiếu. Trong nhiều câu vấn đạo có đoạn sau: Sư lại hỏi: “Xanh xanh trúc biếc thảy chân như. Thế nào là dụng của chân như?”, Viên Chiếu đáp: “Tặng anh ngàn dặm xa. Cười mang trà một bình.” (Tặng quân thiên lý viễn, Tiên bả nhất bình trà.) Trong các tác phẩm Thiền thời Lý-Trần, chúng ta thấy nhiều thiền thoại dùng điển tích, ví dụ Trần Nhân Tông lấy “Trà Triệu Châu” để giảng pháp trong Cư Trần Lạc Đạo Phú (Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.). Nhiều tư liệu rời rạc khác còn cho thấy thời Lý-Trần người Việt dùng trà phổ biến không kém người Trung Hoa đời Minh;

Còn về khảo cổ người ta tìm thấy nhiều đồ gốm đời Lý-Trần, trong đó có vật dụng uống trà. Bùi Ngọc Tấn trong bài “Đồ gốm đời Lý-Trần, thời thăng hoa”’ có viết về đồ men ngọc: “Ngoài những bát, chén và đĩa men ngọc nhỏ, ta còn thấy có nhiều tước (hay bôi), bình trà, nậm rượu nhỏ. Có những nậm rượu men ngọc chạm nổi hình 2 con cá chép đang bơi. Có những nậm rượu hình quả bầu.”. Di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa (Phan Hưng Nhơn).

11, Thời nhà Minh (1414 – 1427).

Đáng tiếc dù chỉ kéo dài khoảng 10 năm, đã tàn phá nền văn hóa và thư tịch Việt Nam một cách khủng khiếp. Thư tịch của người Việt gần như bị tru diệt hoàn toàn. Chiếu dụ của vua Minh còn đó: Đốt hết, chở hết sách vở về Tàu, kể cả những chữ đục trên bia đá, viết trên núi cũng bị đục bỏ… Cho nên tài liệu viết của chúng ta còn lại trước thời này đại đa số là một vài bài thơ, tài liệu còn được các nhà chùa cất giữ. Nhưng điều hiển nhiên: Ở đâu, bất kỳ thời này, hễ ta tìm thấy “chữ” là ta cũng sẽ tìm thấy chữ viết về trà. Một trong những bài thơ cổ còn lại của ta ở thời nhà Lý cũng đã nhắc đến trà: Tặng quân thiên lý viễn. Tiếu bả nhất bình trà. (Tặng bạn xa ngàn dặm. Cười dâng một bình trà.) (Viên Chiếu Thiền sư)

12, Triều đại nhà Mạc (1527 – 1593).

Trà đã được đưa vào chốn cung đình. Mỗi buổi sáng, trước khi luyện đao hay thiết triều, ông thường uống ba chung trà và bốn chén rượu để tăng thêm sức lực và trí lực. Suốt những tháng năm sóng gió của cuộc đời mình, có hai vật luôn luôn gắn liền với ông.

13, Nhà hậu Lê (thời Lê – Trịnh 1533 -1788).

Thời kỳ này kinh doanh chè đã hết sức phát đạt. Sách Vân đài luận ngữ cho biết thu nhập từ chè của chủ vườn thời đó rất khấm khá: “vườn trà 1000 cây thu lợi 300-400 quan/ năm”, một nguồn thu nhập không hề nhỏ so với mặt bằng kinh tế đương thời.

Ở Đằng Trong từ chỗ không có trà, đã trở thành vùng canh tác và kinh doanh trà nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhà du hành nổi tiếng người Anh, ông Chapman ghé thăm Đại Việt vào năm 1778 phải thốt lên “…đường bộ đi từ hải cảng Qui Nhơn đến hoàng thành của Nguyễn Nhạc đi qua làng nào cũng thấy hiệu bán trà”.

Trà trở thành hàng hóa thông dụng khắp Đại Việt, khắp hang cùng ngỏ hẻm ngay cả trong vùng đất mới: xứ Đàng Trong. Nghề canh tác và kinh doanh chè bắt đầu xa sút từ cuối thế kỷ 18 khi liên tục nổ ra những cuộc nội chiến khốc liệt. Chè gần như cạn kiệt đến nỗi ông Serard, giáo sĩ sống tại Đại Việt phải viết thư yêu cầu cha cố Letondal gửi trà cho ông: “Kẻ Dầm 27-9-1789, gửi 6 cân trà tốt, loại trà xanh tốt và đậm nhất…”.

Lê Quý Đôn (1773) đã tham khảo cuốn trà kinh của Lục Vũ và mô tả cây chè vườn hộ gia đình người Kinh ở vùng Thanh Hóa. Ghi chép cụ thể về phong tục dân gian uống chè tươi, hay chè chế biến đơn giản (băm giã, ủ, phơi khô) của làng nghề chè Bạng nổi tiếng, đã khái quát được sản xuất – kinh doanh chè thủ công Việt Nam thời Trung đại, Lê Sơ (1770 – 1775).

Từ thời Lê -Trịnh nghiệp chè thịnh vượng và mặt hàng chè đã lần đầu tiên được chắp cánh, xuất khẩu sang phương Tây. Hai thương điếm Anh và Hà lan lập ở Kinh đô Kẻ Chợ đã tranh nhau vét mua chè như một nguồn hàng xuất khẩu tiềm năng. Văn bản chính thức ghi nhận việc xuất khẩu chè Việt được ghi rõ trong bức thư gửi từ Batavia (Indonesia) đề ngày 23/2/1682: “…không có chè vì đắt quá, vả chăng người Hà lan đã mua hết cả số chè hiện có”. Thế đấy, chè Việt đã từng rất có giá và không đủ cho nhu cầu xuất khẩu ở thời kỳ các Chúa Trịnh mở cửa thông thương với Phương Tây vào thế kỷ 17-18.

Từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng Trà Cung đình Việt thanh cao và triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng.  Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng Trà Cung đình Việt. Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một « chân lý », nghe qua thật mộc mạc: Muốn thưởng thức được vị ngon của trà – hãy làm Nô bộc cho Trà! Và triết lý Trà Nô đã ra đời.

Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ thưởng trà tại Tả Vọng đình. Tranh minh hoạ của Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ.
Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ thưởng trà tại Tả Vọng đình. Tranh minh hoạ của Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ.

14, Nhà Tây Sơn (1778 – 1802).

Trà là hàng hóa thông dụng khắp Việt Nam khắp hang cùng ngỏ hẻm ngay trong vùng đất mới như miền Nam. Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, Vương Hồng Sển viết: “Sau trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, thì hàng hóa các tiệm buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu, giấy má đủ loại bị tuôn ra bỏ bừa bãi lềnh khên ngập đường sá, hèn lâu như vậy mà không ai dám rớ dám mót lượm về xài. Qua năm 1783, giá hàng hóa vụt lên mà ngợp: kim may mỗi cây một lượng bạc, trà Tàu tám quan tiền một cân, …” Và hiện nay trà là món uống phổ thông đến mức chẳng ai cần quan tâm nó hiện hữu hay không, giống như chẳng mấy ai chịu nghĩ đến không khí dù không có nó mình chết vậy.

15, Nhà Nguyễn (1802 – 1945).

Thế kỷ XIX, trà Việt được trà sĩ sành sỏi Cao Bá Quát (1809 – 1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, bổ sung thêm Triết lý – Trà Mộc. Cao Chu Thần tôn vinh cách thưởng thức trà với vị hương mộc mạc nguyên vẹn không ướp hoa mới thưởng thức hết cái vị đích thực của trà.

Trà càng lan tỏa sâu rộng vào nếp sống Việt và dòng Trà Cung đình Việt vốn chỉ ở chốn cung vàng điện ngọc đã dần được bình dân hóa vượt ra khỏi mọi nghi thức khuôn phép, len lỏi khắp chốn cùng nơi.

Từ thế kỷ 19, trà Huế xuất hiện, đồng thời trà Phú Hội ở trấn Biên Hòa ra đời, trở thành danh trà đất phương Nam.

Trà Việt đã được vua Gia Long cấp giấy xuất khẩu đi Pháp lần đầu tiên vào năm 1817 và 1819. Vào năm 1899, trà Việt Nam đã được bán tại Paris, Pháp, với tổng lượng xuất khẩu tới 131.391 tấn. Và đến năm 1930, trà Việt đã có mặt tại Mỹ. Vào năm 1935, Kỳ hội chợ quốc tế qui mô do Pháp tổ chức tại Hà nội trà Tân Cương của Việt Nam đã đạt giải nhất Hội chợ đấu xảo Hà Nội, mở đường cho việc xuất khẩu trà Tân Cương đi Ấn độ. Số liệu thống kê lưu trữ cho biết vào thập niên 60 thế kỷ trước, chè là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ 3 ở miền Nam Việt Nam.

Saigon 1859-1865 đã ghi nhận việc xuất khẩu 81 thùng trà Việt qua cảng Sai gòn năm 1862. Trong bảng thống kê danh sách 38 món hàng hóa xuất khẩu, trà là vật phẩm xếp mục thứ 19. Năm 1899 137Kg chè Việt nam có nguồn gốc từ Quảng Nam được bán tại Pháp. Chè Nụ Việt lần đầu tiên “trình làng” ở triển lãm quốc tế Pari năm 1900 và được khách hàng chào đón nồng nhiệt.

Giai đoạn từ 1911 đến 1940 chè Việt Nam đã đứng hàng thứ 6 trong số các nước sản xuất chè trên thế giới với 10.900 tấn khô, diện tích 17.400 ha. Thời kỳ này sản phẩm chè vò, lên men nhẹ, phơi nắng và ép thành bánh đã được xuất khẩu thống trị thị trường Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Mailaysia.

16, Thời kỳ phát triển kinh tế tập trung (sau năm 1945 đến 1986).

Việt Nam phải trải qua 30 năm đấu tranh giành độc lập (1954 – 1975), các cơ sở nghiên cứu về chè ở hai miền Nam và Bắc bị tàn phá nặng nề. Tuy phải sản xuất lương thực thực phẩm là chính nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn quan tâm phát triển chè.

Vào những năm 1950 và 1960 sản phẩm trà của Việt Nam tràn ngập Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Malaysia. Sản phẩm “Trà Bánh Hà Nội” đã được thị trường nước ngoài ưa thích và đón nhận. “Trà Bánh Hà Nội” là đại diện tiêu biểu của trà ép bánh Việt Nam.

Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, “TRÀ BÁNH HÀ NỘI” được bán từ Quảng Châu đến Hồng Kông.

  1. Thời kỳ mở của từ 1986 tới nay.

Tổ chức sản xuất – tiêu thụ có năm thành phần tham gia. Năm 2000, đã có 90.000 ha chè (kinh doanh, kiến thiết cơ bản và trồng mới), sản xuất ra 87.000 tấn chè khô, xuất khẩu 67.000 tấn, tiêu thụ nội địa 20.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 78 triệu USD.

Nhìn dòng chảy như thế này, người Việt hiện nay có thể tự hào về lịch sử và chất lượng trà của mình.

Biên tập viên: Vân Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
facebook-icon