Lịch sử của trà Việt Nam

Trà có lịch sử hàng ngàn năm, đã hình thành văn hóa trên nhiều phương diện, văn hóa trà là sự kết hợp giữa trà và văn hóa, là hiện thân của văn minh vật chất và tinh thần, hãy cùng biên tập viên theo dõi để hiểu về lịch sử và văn hóa trà Việt Nam.

Một thực tế không thể chối cãi là cây trà có nguồn gốc từ Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, một số học giả nước ngoài cũng đã phát hiện ra cây chè hoang dã ở Ấn Độ sau đó là Trung Quốc. Cứ vội nghĩ rằng cây trà có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc. Cả Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nền văn minh cổ đại trên thế giới, mặc dù ở cả ba quốc gia đều có những cây trà cổ thụ hoang dã nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam đã ghi nhận một nền văn hóa trà sớm hơn Ấn Độ cả 1.000 năm và sớm hơn Trung Quốc hàng vài trăm năm. Cây trà cổ thụ hoang dã được tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Quốc. Vào thời điểm đó, người Ấn Độ và người Trung Quốc còn chưa biết sử dụng trà, thậm chí không biết rằng có một loại cây gọi là cây trà. Văn hóa trà của Việt Nam đã có lịch sử hàng nghìn năm.

 

Bác Hồ thăm nhà máy chè Phú Thọ, ngày 20/07/1958
Bác Hồ thăm nhà máy chè Phú Thọ, ngày 20/07/1958

Nhiều tư liệu khẳng định tộc Việt từng biết uống trà trước tộc Hán ít nhất cũng hàng nhiều trăm năm, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Sách Kinh Lễ hay Lễ Ký của bậc thánh nhân, Đức Khổng Tử (551-479 TCN) san định không hề thấy nói đến trà; Kinh Thi cũng do Ngài san định là một tác phẩm ghi chép lại các bài ca dao trong dân gian không hề có một chữ trà hay chữ đồ[1]. Lại nữa, chính Khổng Tử đã từng dạy học trò:

“Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà.”[2]. Đây là bức thông điệp từ quá khứ xa xôi khẳng định một sự thật hiển nhiên: cho tới thời đại của Khổng Tử, người Hoa Hạ vẫn chưa biết uống trà!

Tộc Lạc Việt có tục uống chè tươi  độc đáo và duy nhất trên thế giới tồn tại mãi trong lịch sử đến tận đầu thế kỷ XXI. Sử dụng lá trà tươi để uống đó là dấu vết về kiểu thức uống trà sơ khai nhất của loài người mà ngày nay không còn tồn tại trên thế giới nhưng lại khá phổ biến rộng khắp tại Việt Nam. Không chỉ còn tồn tại, lễ uống chè tươi còn trở thành “hội uống chè tươi” ở vùng Tiên Lữ, tỉnh Vĩnh Phúc. Cứ khi rãnh rỗi, bà con trong xóm lại tự tập quây quần cùng nhau thưởng thức chè tươi như trong một gia đình. Lễ đãi nước chè tươi xoay vòng cho từng gia đình trong làng ở Hương Kê, Hà Tĩnh vẫn còn đang bảo tồn trong cộng đồng cư dân nơi đây. Những tập tục mang tính cộng đồng, đại chính nay là “sợi chỉ hồng” dẫn dắt chúng ta về với quá khư ẩm trà của tổ tiên!

Đến thế kỷ thứ ba trước Công nguyên khi Triệu Đà (257 – 137 TCN) phục quốc, tiêu diệt quốc gia Âu Lạc, tôn xưng Đế hiệu, lập nước Nam Việt thì vùng lãnh thổ của Lĩnh Nam lại được trở về ở vùng Trường Sa, Hồ Động Đình. Nước Nam Việt tồn tại 97 năm (208-111 TCN) thực chất thu phục lại cương thổ của nước Văn Lang cổ và là quốc gia của người Việt. Nhiều cứ liệu cho thấy vợ Triệu Đà là người Việt [3] và gia đình ông hoàn toàn sống theo tập tục Việt như chính các thư tịch Trung Quốc khẳng định: “… Đà theo tục của người Di phương Nam, búi tóc, ngồi xổm, ăn bằng miệng, uống bằng muỗng….” [4]

Tục Tỵ ẩm (uống bằng muỗng) được ghi chép trong sách Thủy kinh chú sớ vào thế kỷ thứ II – I trước công nguyên còn song hàng với dân Việt đến tận thế kỷ XIII. Chính danh tương Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, một nho tướng thông thạo tới 4 – 5 ngôn ngữ từng tham dự tập tục này trong cuộc “Tỵ ẩm trà” với dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và nó còn lưu truyền tới ngày nay trong nhóm dân tộc Kháng Lai Châu.

Dân tộc Bạch (thuộc tộc Bách Việt, được cho là tổ tiên của người Thái ngày nay) có tập tục uống trà còn gọi là Bạch tộc tam đạo trà: “…Sau một tiết mục hát, múa truyền thống dân tộc là một tuần trà mời khách. Chén trà đầu (tuần trà thứ nhất) có vị thật đắng biểu trưng nỗi cay đắng, gian khổ trong cuộc sống; chén trà thứ hai lại thật ngọt tượng trưng cho thành công và hạnh phúc; chén trà thứ ba không đắng, không ngọt được gọi là chén trà hồi quy để hồi tưởng lại những gian khổ, vất vả cũng như hạnh phúc trong cuộc đời. Cách pha trà của họ cũng đặc trưng: lá trà non được hơ trên ngọn lửa cho đến khi biến thành màu vàng và tỏa hương thơm mới được cho vào ấm pha nước sôi để thật lâu cho ngấm trà, khi lá trà chìm hết mới rót ra thưởng thức. Khi uống trà họ còn lấy lá trà ra nhâm nhi, nếu thiếu điều này coi như vô lễ với khách”.

Cách uống chè nướng hiện vẫn được các dân tộc vùng Trung du Bắc Bộ Việt Nam bảo tồn. Họ còn biết cho lá trà vào ống tre và nướng trên lửa như một cách sao chè thô sơ. Tập tục uống chè nướng này đã bảo tồn được một trong những phương thức chế biến trà sơ khai nhất trong lịch sử phát triển của “trà nghiệp” mà không dễ gì tìm thấy ở các quốc gia khác.

Nên văn minh trà của người Việt còn được thể hiện qua các phong tục được ghi chép thành văn tại đền Đồng Xâm, thôn Thượng Gia, Kiến Xương, Thái Bình. Đền thờ Triệu Vũ Đế (239 – 137 TCN) và hoàng hậu Phương Dung – Trình Thị được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1991, còn lưu truyền nghi thức uống chè, dâng chè qua năm bước thời quốc gia Nam Việt: Bước một, chắp chào nhau; Bước hai, đưa tay mời; Bước ba, nâng chén chè lên nhấp môi; Bước bốn, uống cạn chén; Bước năm, đặt chén xuống vái chào nhau. Hiện vẫn còn chứng tích với con sông Trà (Trà giang) chảy ôm sau lưng đền. Việc uống trà thời nhà Nam Việt đã phát triển và được lưu truyền trong đôi câu đối.

Những giai thoại nhạo báng trà được chép trong sách Thế Thuyết tân ngữ dưới thời Tấn Khang Đế (322-344) lại là một chứng cớ sinh động cho thấy trà chưa lan tỏa và được chấp nhận rộng rãi ở Trung Hoa trước đời Đường. Chuyện kể rằng:

“… Nhiệm Thiện, danh sĩ phương Nam (vùng đất Bách Việt) vượt sông đến thành Thạch Đầu xướng họa thơ văn, luận đàm đạo lý với các sĩ phu phương Bắc đến khô cả cổ mà chẳng có gì uống. Với thói quen uống trà, ông buột miệng hỏi: chẳng có trà lá gì sao? Nhóm sĩ phu phương Bắc cười ồ chế giễu và cũng từ đó người phương Bắc gọi người phương Nam (gốc Bách Việt) là loại người thô lậu vì cái thói khoái uống trà.”[7]

Thời Nam-Bắc triều (420-581), sử chép sự kiện khi vua Nam Tề chạy sang nước Ngụy, theo thói quen hàng ngày pha trà uống, lại bị Bành Thành Vương dè bỉu: “Khanh không thích vị bát trân của Vương hầu lại đi thích chén trà xanh.”7. Xuyên suốt các tư liệu xưa cho thấy, ít nhất cho tới giữa thiên niên kỷ thứ I, trà vẫn bị dè bỉu ở Trung Hoa, coi là thứ nước uống thấp kém, quái lạ của người phương Nam. Họ thường xuyên miệt thị thứ nước uống này!

Trong Trà Kinh, một tác phẩm kinh điển về trà, Lục Vũ từng khẳng định: “Trà giống cây quý của phương Nam vậy.”[8]. Ông còn viết: “Người đầu tiên phát hiện ra trà chính là Thần Nông”. Chớ trêu thay, Thần Nông lại chính là Thủy tổ của người Việt, chủ nhân nền văn minh lúa nước luôn đồng hành cùng trà. Dấu vết khẳng định Thần Nông là tổ tiên của người Việt nằm ngay trong tên gọi Shen Nung (Thần Nông), một cách gọi theo đúng cấu trúc tiếng Việt (bởi theo tiếng Hán phải là Nông Thần – Nung Shen mới chính xác).[9]

Sách Quảng Bác Vật Chí chép: cao lư là tên riêng của một thứ trà, lá to mà nhụy nhỏ, người Nam dùng để uống.

Trà Kinh lại chép: “Người phương Nam có cây qua lô giống như lá trà non mà nhụy đắng, giã nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao Châu và Quảng Châu người ta rất quý thứ này, hễ có khách đến nhà thì trước hết bày ra đãi khách”. Theo lời Ðào Hoàng Cảnh, một ẩn sĩ tài hoa đời Nam Bắc Triều thì bọn xử sĩ trong thiên hạ rất chuộng thứ này.

Theo sách Nghiêm Bác Tạp Chí trích lời Lý Trọng Tân học sĩ nói: “Trà ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay gắt gọi là trà đăng” (tức là mạt trà). Những núi ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa có trồng thứ trà này. Cây trà mọc liên tiếp che khắp rừng. Người bổn thổ hái lá, giã cho nát, phơi khô trong bóng mát, nấu mà uống, tính nó hơi hàn, có thể làm mát tim phổi và ngủ ngon.

Từ góc độ cổ tích và truyền thuyết làm bằng chứng cho nguồn gốc xuất xứ về trà, hẳn nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng người Việt biết uống trà và có một nền văn hóa trà sâu xa từ thời Hùng Vương (ngang đời nhà Chu).

Dấu vết trà Việt ẩn hiện trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương, một mối tình lãng mạn từ thời cổ sử Việt. Diễn ra trong bối cảnh thời đại các vua Hùng (2879-257 TCN)[6] , câu chuyện tình buồn giữa chàng lái đò trẻ có giọng hát quyến rũ và tiếng sáo mê hoặc lòng người đã làm rung động trái tim nàng Mỵ Nương (Mỵ Nương là cách gọi con gái vua Hùng). Tiếc thay diện mạo xấu xí của Trương Chi làm nàng thất vọng khiến mối tình tan vỡ bất thành. Xao xuyến trước sắc đẹp chim sa cá lặn của Mỵ Nương, Trương Chi quá nặng lòng đành ôm mối sầu tương tư mà chết và hóa thân thành khối ngọc. Người thợ tạc đá đem khối ngọc đó tạc thành một chén uống chè mang dân cho vua Hùng. Truyền ngôn kể rằng mỗi khi nâng chén nước chè lung linh, Mỵ Nương lại thấy thấp thoáng bóng dáng con đò bơi qua bơi lại, cùng tiếng sáo Trương Chi du dương trầm bổng ngày nào bỗng lại ngân nga… Xót thương cho mối tình sầu thảm, Mỵ Nương ân hận ứa lệ, nước mắt nàng rỏ xuống hòa trong chén nước chè và chén chè bỗng vỡ tan như thể đã hóa giải được mối sầu tương tư của Trương Chi! Không ai biết truyền thuyết này có tự bao giờ và tại sao lại là nàng Mỵ Nương từ thời mở nước Văn Lang của người Việt chứ không phải ai khác!

Nếu Trương Chi-Mỵ Nương là loại truyền thuyết phi vật thể, chúng ta lại có truyền thuyết khác mà vật chứng của chúng là những địa danh lưu lại từ thời đại Hùng Vương còn mãi với thời gian. Chuyện kể rằng vào đời Hùng Duệ Vương, một bà quý phi của vua Hùng đã về làng Văn Luông (nay là Văn Phú), vùng đất tổ Phú Thọ dạy dân trồng chè, trồng bông sinh sống. Để ghi nhớ công nghiệp khai sáng ấy của bà, vùng đất trồng chè, trồng bông năm xưa, dân cư tự về sinh sống và đã tạo dựng nên: xóm Bãi Chè, xóm Bông còn tồn tại mãi tới ngày nay.

Chẳng lẽ câu chuyện quanh ly trà này không là một nền văn hóa trà sâu sắc hay sao?! Nhưng dù sao huyên thoại hay chuyện cổ tích không là tư liệu quyết định. Xưa hơn nũa thì Lạc Long Quân và bà Âu Cơ đã mang cây trà từ Hồ Động Đình về Việt Nam rồi.

Năm 1960, ông M.K Djemukhatzechuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chè của thế giới, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), sau những nghiên cứu về sự tiến hóa của cây chè, bằng cách phân tích thành phần catechin trong chè mọc hoang dại ở các vùng chè ở Tứ Xuyên, Vân Nam (Trung Quốc), Ấn Độ và các vùng trà cổ của Việt Nam trong đó có vùng trà cổ trên núi Hoàng Liên Sơn, đã kết luận; “…cây chè cổ ở Việt Nam, tổng hợp các catechin đơn giản hơn nhiều cây chè ở Vân Nam; cây chè ở Vân Nam chất catechin phức tạp hơn nhiều cây chè Việt Nam, như vậy cây trà vùng Vân Nam là loại hình tiến hóa sau cây trà Việt Nam”, từ kết quả nghiên cứu ông đưa ra sơ đồ tiến hóa hóa sinh của cây chè thế giới như sau:

Camelia -> Thea wetnamica (chè Việt Nam)-> Thea fuinamica (chè Vân Nam lá to)-> The sinensis (chè Trung Quốc lá nhỏ)-> Thea assamica (chè Assam Ấn Độ).

Trong nhiều năm nghiên cứu nhiều vùng trà cổ, ông đã viết cảm nhận của mình về cây chè cổ ở dãy núi Hoàng Liên Sơn ông viết “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở dãy núi Hoàng Liên Sơn, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.

Với kết quả nghiên cứu sự tiến hóa của cây chè, Viện sĩ Djemukhatze đã đề xuất tên khoa học mới cho cây chè thế giới là Thea wetnamica (chè gốc Việt Nam) thay cho tên khoa học Thea sinensis (chè gốc Trung Hoa) đã tồn tại hơn hai thế kỷ (1753 – 1977) – Sách “Cây chè miền Bắc Việt Nam – K.M.Djemukhatze, NXB Nông Nghiệp, 1981”.

Tư liệu về nguồn gốc cây trà không chỉ có bấy nhiêu, Việt Nam còn có nhiều chứng cứ thuyết phục khác để có thể chứng minh xuất xứ cây trà và văn hóa trà thuộc nền Văn hiến Lạc Việt:

Vào năm 1960, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hạt trà có niên đại 13.200 năm tuổi ở di tích hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Những hiện vật được tìm thấy thuộc Văn hóa Phùng Nguyên (3000-1330 TCN) của Lạc Việt là những nồi gồm có chân kê để nấu trà.

Dấu tích của cây trà và lá trà hóa thạch cũng được phát hiện ở Phú Thọ, đất tổ Hùng Vương. Ngay trong tư liệu thành văn đầu tiên của Khổng Tử vào thế kỷ thứ 4 TCN cũng viết về tập quán uống trà của dân Bách Việt. Như vậy, Việt Nam có một lịch sử trà đã lâu đời. Những bằng chứng về tư liệu, khảo cổ, nghiên cứu đều khẳng định miền Bắc Việt Nam thuộc vùng khởi phát cho những cây trà đầu tiên.

Một trong những loại trà Việt Nam được lịch sử ghi lại là “trà thơm” do Đinh Liễn cống cho nhà Tống vào thế kỷ thứ 10. Do đó, trà ướp hương Việt Nam xem như đã có dòng chảy ít nhất hơn 1000 năm.

Những thế kỷ trôi qua, trà ở Việt Nam đã phát triển dòng trà Thiền thời Lý với họa tiết sen phổ biến trên các trà cụ (nhưng chưa có trà sen), rồi trà ướp hoa lan vào thế kỷ 14 trong thơ ca của Trần Nguyên Đán, trà Tước Thiệt được viết trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15, trà sen xuất hiện vào thế kỷ 16 được biết qua bài thơ chữ Nôm Tịnh cư niên thể phú của ẩn sĩ Nguyễn Hãng, trà Bạch Hào vào thế kỷ 18 trong Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông, trà Ô Long Việt xuất hiện vào thế kỷ 19, trà Sơn kim cúc chữa bệnh mắt cho Thái hậu Từ Dũ,…

Một số loại trà và phong cách trà được ghi nhận trong lịch sử nhưng dường như đã thất truyền như Mạc trà vào thế kỷ 16, trà Lược của công chúa Mai Hoa ở Thanh Hóa, triết lý Trà Nô của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, trà Mạn Hảo Diên Thái và trà Bánh Hà Nội ở Hà Nội, Tây Sơn Trà ở Phú Yên, trà Cam Khổ chuyên để tiến chúa Nguyễn…

Thương điểm Anh và Hà Lan ở đất Kẻ Chợ TK 17.
Thương điểm Anh và Hà Lan ở đất Kẻ Chợ TK 17.

Từ thế kỷ 19, trà Huế xuất hiện, đồng thời trà Phú Hội ở trấn Biên Hòa ra đời, trở thành danh trà đất phương Nam.

Trà Việt đã được vua Gia Long cấp giấy xuất khẩu đi Pháp lần đầu tiên vào năm 1817 và 1819. Vào năm 1899, trà Việt Nam đã được bán tại Paris, Pháp, với tổng lượng xuất khẩu tới 131.391 tấn. Và đến năm 1930, trà Việt đã có mặt tại Mỹ. Vào năm 1935, trà Tân Cương của Việt Nam đã đạt giải nhất Hội chợ đấu xảo Hà Nội, mở đường cho việc xuất khẩu trà Tân Cương đi Ấn độ. Số liệu thống kê lưu trữ cho biết vào thập niên 60 thế kỷ trước, chè là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ 3 ở miền Nam Việt Nam.

Saigon 1859-1865 đã ghi nhận việc xuất khẩu 81 thùng trà Việt qua cảng Sai gòn năm 1862. Trong bảng thống kê danh sách 38 món hàng hóa xuất khẩu, trà là vật phẩm xếp mục thứ 19. Năm 1899 137Kg chè Việt nam có nguồn gốc từ Quảng Nam được bán tại Pháp. Chè Nụ Việt lần đầu tiên “trình làng” ở triển lãm quốc tế Pari năm 1900 và được khách hàng chào đón nồng nhiệt.

Giai đoạn  từ 1911 đến 1940 chè Việt Nam đã đứng hàng thứ 6 trong số các nước sản xuất chè trên thế giới với 10.900 tấn khô, diện tích 17.400 ha. Thời kỳ này sản phẩm chè vò, lên men nhẹ, phơi nắng và ép thành bánh bảo quản trong kho khô đã được xuất khẩu thống trị thị trường Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Mailaysia.

Vào những năm 1950 và 1960 sản phẩm trà của Việt Nam tràn ngập Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Malaysia. Sản phẩm “Trà Bánh Hà Nội” đã được thị trường nước ngoài ưa thích và đón nhận. “Trà Bánh Hà Nội” là đại diện tiêu biểu của trà ép bánh Việt Nam.

Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, “TRÀ BÁNH HÀ NỘI” được bán từ Quảng Châu đến Hồng Kông.

Thời kỳ mở của từ 1986 tới nay: Tổ chức sản xuất – tiêu thụ có năm thành phần tham gia. Năm 2000, đã có 90.000 ha chè (kinh doanh, kiến thiết cơ bản và trồng mới), sản xuất ra 87.000 tấn chè khô, xuất khẩu 67.000 tấn, tiêu thụ nội địa 20.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 78 triệu USD.

Nhìn dòng chảy như thế này, người Việt hiện nay có thể tự hào về lịch sử và chất lượng trà của mình.

——————————————————————————

[1] Trà Thư, Đức Chính, http://khanhhoathuynga.wordpress.com

[2] Hành trình tìm về cội nguồn, Hà Văn Thùy, NXB Văn học, 2008

[3] Theo Nguyễn Tộc Từ đường Phả lục Chính bản (Từ đường họ Nguyễn thôn Vân Nội xã Quang Lâm, huyện Thanh Oai, Hà Nội): Triệu Đà húy Thận là con của Hùng Duệ Vương và bà Trần Quý Thị. Khi Thục Phán đánh bại vua Hùng lên ngôi An Dương Vương, ông lưu lạc sang Bắc quốc, làm con nuôi Triệu Cao nhà Tân nên cải họ tên thành Triệu Đà. Sau gặp thời cơ, ông khởi binh về phục quốc diệt nhà Thục lập quốc gia Nam Việt tự chủ.

[4] Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên, NXB Thuận Hóa, 2000.

[5] Đại Việt sử ký Tiền biên, Viện nghiên cứu Hán-Nôm, 2011

[6] Đại Việt sử ký toàn thư – NCQB năm Chính hòa 18 (1697), NXB Khoa học Xã hội, 1993

[7] Trà Văn hóa đặc sắc Trung Hoa, Đông A Sáng, NXB Văn hóa Thông tin, 2004.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ Tục biên, NXB Khoa học Xã hội, 1991.

[9] Trà Kinh, Vũ Thế Ngọc, NXB Văn nghệ, 2006.

Biên tập viên: Vân Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
facebook-icon